Xác định tỷ lệ đột biến gene 23S rRNA và gyrA kháng clarithromycin và levofloxacin của vi khuẩn H. pylori ở bệnh nhân viêm dạ dày và một số yếu tố liên quan. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên bệnh nhân viêm dạ dày có H. pylori dương tính tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu và Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu. Kết quả: Tỷ lệ đột biến kháng clarithromycin là (85,7%) và levofloxacin (60,3%). Đối với clarithromycin, đột biến tại vị trí T2182C chiếm tỷ lệ cao nhất (80,9%), A2143G (57,2%) và thấp nhất là A2142G (1,6%). Đối với levofloxacin hai vị trí phổ biến là amino acid 87 và 91, tỷ lệ đột biến đề kháng kháng sinh levofloxacin đối với các vị trí N87K, T87I, D91N, D91Y và D91G lần lượt là (31,7%), (3,2%), (12,7%), (1,6%) và (14,3%). Đặc biệt, có một đột biến mới được phát hiện có khả năng gây kháng levofloxacin là H (Histidine) tại vị trí 87H với tỷ lệ (1,6%). Có đến 24 mẫu H. pylori có cả đột biến kháng levofloxacin và clarithromycin với tỷ lệ 38,1%. Kết luận: Nghiên cứu đã xác định được tỷ lệ đột biến kháng thuốc và các dạng đột biến đề kháng kháng sinh clarithromycin và levofloxacin hiện đang được sử dụng điều trị tiệt trừ vi khuẩn H. pylori, tỷ lệ đột biến trong nghiên cứu thực sự rất đáng chú ý và cần được quan tâm trong điều trị.