Nghiên cứu mô tả cắt ngang có so sánh trên những bệnh nhân được phẫu thuật tim hở tại Khoa GMHSTM - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung Ương Huế từ tháng 05/2021 đến tháng 08/2022. Số liệu được xử lý bằng phần mềm R4.2.2. Kết quả: Nghiên cứu trên 2 nhóm bệnh nhân phẫu thuật tim hở. Nhóm 1: 60 bệnh nhân được thực hiện đầy đủ theo chương trình ERAS cho phẫu thuật tim, nhóm 2: 60 bệnh nhân được chuẩn bị, điều trị và chăm sóc thường quy. Kết quả cho thấy trên 120 bệnh nhân phẫu thuật tim hở: độ tuổi trung bình là 64,75 ± 8,95 tuổi, tỷ lệ nam/nữ là 75/45, 2 bệnh lý kèm thường gặp là tăng huyết áp (85 bệnh nhân) và đái tháo đường (35 bệnh nhân), 58,33% bệnh nhân có phân độ NYHA I, II trước phẫu thuật, 23,33% bệnh nhân có EF ≤ 40%, 58,33% bệnh nhân có EF >
50%. Nghiên cứu kết quả sau phẫu thuật giữa 2 nhóm cho thấy nhóm 1 có thời gian thở máy, thời gian nằm hồi sức, thời gian nằm viện ngắn hơn nhóm 2. Cụ thể, thời gian thở máy nhóm 1: 8,12 ± 2,07 giờ
nhóm 2: 8,88 ± 1,73 giờ, thời gian nằm hồi sức nhóm 1: 4,19 ± 1,04 ngày
nhóm 2:5,00 ± 0,85 ngày, thời gian nằm viện nhóm 1: 15,00 ± 3,01 ngày
nhóm 2: 18,90 ± 3,09 ngày. Nghiên cứu cũng cho thấy lượng Opioid cần sử dụng trên nhóm 1: 8,15 ± 8,03 mg, thấp hơn nhóm 2 12,3 ± 8,42mg. Các biến chứng sau phẫu thuật như chảy máu phải phẫu thuật lại, tổn thương thận cấp, tràn máu màng phổi phải dẫn lưu, viêm phổi, suy tim nặng cần hỗ trợ IABP, nhiễm trùng vết mổ, viêm xương ức, tổn thương thần kinh trung ương, tử vong trên nhóm 1 thấp hơn ở nhóm 2 tuy nhiên tỷ lệ biến chứng thấp nên chưa có ý nghĩa thống kê. Kết luận: ERAS là một chiến lược điều trị, chăm sóc bệnh nhân phẫu thuật toàn diện. Việc áp dụng ERAS trong phẫu thuật tim hở giúp giảm đáng kể thời gian thở máy, thời gian nằm hồi sức, thời gian nằm viện.