Kết quả và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả khởi phát chuyển dạ trên sản phụ có thai đủ tháng tại khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đức Giang từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2020. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả tiến cứu trên 70 sản phụ có thai thai trên 37 tuần chưa chuyển dạ có khả năng sinh thường, có chỉ định kết thúc thai nghén được khởi phát chuyển dạ bằng đặt bóng Cook cải tiến hoặc truyền oxytocin. Kết quả: Tỷ lệ sinh con so 51,43%, tỷ lệ sinh con rạ 48,57%. Tuổi thai 40 – 41 tuần chiếm 61,43%. Chỉ số Bishop trung bình 3,72 ± 1,31điểm. Chiều dài cổ tử cung trung bình 22,42 ± 7,45mm. Khởi phát chuyển dạ bằng đặt bóng cải tiến chiếm 55,71%, bằng truyền oxytocin 44,29%. Tỷ lệ khởi phát chuyển dạ thành công 94,28%. Tỷ lệ thành công thực sự (đẻ đường âm đạo) chiếm 75,71% trong đó truyền oxytocin là 72,97%, đặt bóng Cook cải tiến là 78,79%. Tỷ lệ tai biến sau sinh 5,72%. Các yếu tố làm tăng tỷ lệ thành công khởi phát chuyển dạ là: nhóm con rạ có tỷ lệ khởi phát chuyển dạ thành công cao gấp 6,57 lần so với nhóm con so (OR=6,57
95% CI=1,68-25,65), với chỉ số Bishop ≥ 4 tăng tỷ lệ thành công gấp 2,62 lần (OR=2,62
95% CI=1,25-4,65), chiều dài cổ tử cung ≤ 29mm tăng tỷ lệ thành công lên 3,42 lần (OR=3.42
95% CI=1,02-11,39). Kết luận: Nghiên cứu cho thấy 2 phương pháp khởi phát chuyển dạ bằng đặt bóng Cook cải tiến và truyền oxytocin được áp dụng tại khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đức Giang an toàn và mang lại hiệu quả cao, giảm tỷ lệ mổ lấy thai, tỷ lệ tai biến thấp.