Người Chăm đến Nam Bộ sinh song từ lâu, hiện nay tuy dân số không quá nhiều, nhưng là một cộng đồng tôn giáo-Islam (Hồi giáo), và tôn giáo chi phối rõ nét trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, trở thành chuẩn mực trong ứng xử của cộng đồng. Trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình, cùng với ý thức chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình của Nhà nước thì những quan niệm, quy định của tôn giáo thể hiện cụ thể trong kinh Qur’an cũng được cộng đồng nghiêm túc thực hiện. Điều này một mặt góp phần tạo nên tính “khép kín ” trong quan hệ hôn nhân, sinh hoạt gia đình của cộng đồng tôn giáo, mặt khác tạo nên những sắc thái riêng - đặc trưng của một cộng đồng dân cư trong địa bàn cư trú, góp phần tạo nên sự đa dạng của vùng văn hóa Nam Bộ và văn hóa của tộc người Chăm ở Việt Nam. Bài nghiên cứu này tìm hiểu những quan niệm, quy định của tôn giáo chi phối như thế nào đến hôn nhân, gia đình người Chăm Hồi giáo ở Nam Bộ.