Lọc máu có thể ảnh hưởng đến huyết động và chức năng tim của người bệnh thận nhân tạo chu kỳ. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm đánh giá sự thay đổi chức năng tâm thu và tâm trương thất trái sau ca lọc máu ở người bệnh thận nhân tạo chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Có 61 người bệnh thận nhân tạo chu kỳ (n=61) được đưa vào nghiên cứu. Tất cả người bệnh tham gia nghiên cứu đều được hỏi bệnh, khám lâm sàng, siêu âm tim trước và sau ca lọc máu. Kết quả: Nhóm đối tượng nghiên cứu có tuổi trung bình là 51,5 ± 12,2 tuổi, trong đó có 31 nam chiếm 50,8%. Sau lọc máu, có giảm đáng kể thể tích thất trái cuối tâm thu (Vs, 41,7 ± 23,3 ml so với 36,4 ± 21,1 ml, p <
0,05) và thể tích thất trái cuối tâm trương (Vd, 118,7 ± 31,3ml so với 111,0 ± 31,4 ml, p <
0,05), phân suất tống máu thất trái cải thiện không đáng kể. Vận tốc sóng E (89,9 ± 24,1 so với 71,9 ± 24,4 m/s ) giảm rất có ý nghĩa thông kê so với trước lọc máu với p <
0,0001. Trong khi đó vận tốc sóng A (96,3 ±29 so với 96,2 ± 29,7 m/s) thay đổi không đáng kể và gần như không có sự khác biệt thống kê giữa trước và sau lọc máu với p >
0,05. Tỷ lệ E/A (1,01 ± 0,4 so với 0,82 ± 0,45, p <
0,05) và tỉ lệ E/e’ trung bình (12,4 ± 4,7 so với 10,6 ± 4,3, p <
0,0001) giảm đáng kể sau lọc máu. Vận tốc dòng chảy qua van ba lá thay đổi không đáng kể sau ca lọc máu (VmaxTR, 2,5±0,4 so với 2,4 ± 0,4 m/s, p >
0,05). Sau lọc máu, chỉ số thể tích nhĩ trái giảm rất có ý nghĩa thống kê so với trước lọc máu (LAVi, 42,8 ± 14,8 ml/m2 so với 36,5 ± 14,3 ml/m2) với p <
0,0001. Kết luận: Siêu âm tim đánh giá chức năng tâm thu và tâm trương thất trái có sự cải thiện có ý nghĩa thống kê giữa thời điểm trước và sau ca lọc máu. Sự khác biệt này có liên quan đến thể tích thẩm tách máu trong phiên lọc máu đó.