Sa Pa là một trong những trung tâm đa dạng nguồn gen thực vật vào bậc nhất của Việt Nam, trong đó loại cây trồng bản địa rất phong phú. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên này đã và đang bị xói mòn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: biến đổi khí hậu, sự thoái hoá của đất và nước, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đô thị hóa. Chính vì vậy, việc tiến hành điều tra, đánh giá mức độ đa dạng cũng như những nguy cơ xói mòn nguồn gen cây trồng để định hướng bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng cây trồng là việc làm cần thiết. Qua điều tra thành phần nguồn gen cây trồng tại 30 hộ dân thuộc xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho thấy có 7 nhóm cây trồng với 80 loài thuộc 68 chi của 37 họ, trong đó nhóm cây rau và gia vị có số lượng loài nhiều nhất là 36 loài, chiếm tỷ lệ 45,0%
nhóm cây thuốc có 14 loài (17,5%)
nhóm cây ăn quả có 9 loài (11,3%), nhóm cây có củ có 8 loài (10,0%)
nhóm cây lương thực và thực phẩm có 6 loài (7,5%)
nhóm cây công nghiệp ngắn ngày có 5 loài (6,3%)
cuối cùng là nhóm cây thức ăn gia súc có 2 loài (2,5%). Xác định được 10 loài cây bản địa có khả năng sinh trưởng trên nhiều dạng địa hình đất, có giá trị sử dụng cao nhưng hiện ít được quan tâm làm loài mục tiêu để bảo tồn on-farm gồm: rau bao (Taraxacum officimale Bigg), rau rút rừng (Aspidopterys oligoneura Merr), rau thòm bóp (Physalis angulata L.), rau núc nác (Oroxylum indicum (L.) Benth. ex Kurz), rau dớn (Diplazium esculentum (Retz) Sw), rau bò khai (Erythropalum scandens Blume), rau sắng (Melientha suavis Pierre), giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino), sâm đất (Talinum patens L.), rau má rừng (Centella asiatica (L.) Urban).