Phân tích sự hình thành tín hiệu của các phản ứng có hại đáng chú ý liên quan đến một số kháng sinh cần ưu tiên quản lý bao gồm linezolid, vancomycin, colistin và nhóm carbapenem từ Cơ sở dữ liệu báo cáo ADR tự nguyện tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2021. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả thông qua hồi cứu dữ liệu báo cáo ADR tự nguyện tại Trung tâm DI&
ADR Quốc gia giai đoạn 2017 - 2021. Kết quả: Trong giai đoạn 2017 - 2021, Cơ sở dữ liệu báo cáo ADR tự nguyện đã ghi nhận được 2740 báo cáo ADR liên quan đến linezolid, vancomycin, colistin và nhóm carbapenem. Trong đó, nghiên cứu đã chọn lọc được 429 báo cáo có ADR đáng lưu ý (tương ứng với 436 cặp kháng sinh - ADR đáng lưu ý). Kết quả phân tích trong cả giai đoạn cho thấy có sự hình thành tín hiệu giảm tiểu cầu liên quan đến linezolid (ROR=627,92 [493,59 - 798,81]), giảm bạch cầu liên quan đến vancomycin (ROR=6,26 [5,07 - 7,72]), tổn thương thận cấp liên quan đến colistin (ROR=440,92 [288,05 - 674,93]) và vancomycin (ROR=4,61 [3,40 - 6,24]) và rối loạn thần kinh - tâm thần liên quan đến imipenem (ROR=19,27 [13,0 - 28,57]) và ertapenem (ROR=38,04 [16,25 - 89,07]). Kết luận: Thông qua việc phân tích sự hình thành tín hiệu an toàn thuốc từ dữ liệu Cảnh giác Dược đã ghi nhận nguy cơ gặp các ADR đáng chú ý của một số kháng sinh quan trọng cần ưu tiên quản lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là tiền đề thúc đẩy triển khai các hoạt động giám sát biến cố bất lợi liên quan đến kháng sinh trong chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại Việt Nam