Kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, công tác quản lý đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý vận hành thị trường đất đai. Đây là căn cứ pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần quản lý, sử dụng đất hợp lý, tạo nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia và tạo động lực cho việc khai thác nguồn lực đất hiệu quả, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình thi hành, năm 2013 cũng bộc lộ một số hạn chế, gây cản trở đáng kể cho công tác quản lý, sử dụng, vận hành thị trường đất đai ở Việt Nam. Do đó, Đảng và Nhà nước xác định, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai là cần thiết và cấp bách, nhằm đáp ứng yêu cầu mới, khách quan trong việc quản lý, sử dụng đất. Đặc biệt là thể chế hóa thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.