Sâu răng sớm ở trẻ em (ECC) đang ngày càng gia tăng và vẫn còn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Sử dụng SDF được xem là một xu hướng điều trị hiện nay trên thế giới. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả can thiệp lâm sàng của SDF 38% trên trẻ mẫu giáo 3 tuổi có ECC và S-ECC ở thời điểm sau 12 tuần. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp cộng đồng có đối chứng được thực hiện trên 168 trẻ mẫu giáo 3 tuổi có sâu răng sớm (ECC) và sâu răng sớm trầm trọng (S-ECC) đang học tại các trường mầm non thuộc hai huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu tiến hành so sánh hiệu quả can thiệp bằng SDF 38% và nhóm chứng vecni NaF 5%. Đặc điểm chăm sóc răng miệng của trẻ tại nhà được thu thập qua phỏng vấn trực tiếp phụ huynh. Tình trạng sâu răng được đánh giá thông qua khám lâm sàng theo ICDAS. Kết quả: Trong số 168 trẻ tham gia nghiên cứu can thiệp, 58,3% trẻ nữ. Phần lớn trẻ có sử dụng kem đánh răng fluor, không bú bình, không ngậm thức ăn, thỉnh thoảng uống nước ngọt và tình trạng vệ sinh răng miệng ở mức trung bình (DI = 1-1,9). Có 94 trẻ điều trị bằng SDF 38% và 74 trẻ điều trị bằng vecni NaF 5%. Trung bình mặt răng sâu mức s1 giảm 1,41 mặt răng, tỷ lệ mặt răng ngừng hoạt động ở nhóm SDF 38% cao hơn nhóm chứng sau 12 tuần can thiệp. Kết luận: SDF 38% có hiệu quả trong việc tăng cường sự tái khoáng mô cứng của răng, ngăn chặn phát triển sang thương. Các nhà lâm sàng có thể xem xét về việc sử dụng SDF 38% trong việc điều trị và dự phòng sâu răng của trẻ.