Trữ mô buồng trứng là một phương pháp bảo tồn chức năng sinh sản có thể sử dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ bị giảm chức năng sinh sản, cụ thể là những bệnh lành tính hay ác tính phải can thiệp phẩu thuật, hóa trị, xạ trị. Đây cũng là biện pháp duy nhất để giữ lại khả năng sinh sản trên nhóm bệnh nhân trước tuổi dậy thì. Đông lạnh chậm và thủy tinh hóa là hai phương pháp trữ lạnh được ứng dụng trong việc lưu trữ khả năng sinh sản. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá và so sánh hiệu quả của hai phương pháp đông lạnh chậm và thủy tinh hóa trên nhóm mô buồng trứng người Việt Nam ở khía cạnh khảo sát mô học dựa trên số nang noãn đếm được giữa các mảnh mô trước và sau trữ trên cùng một bệnh nhân. Trong nghiên cứu cắt ngang mô tả này, 24 mảnh mô được thu nhận từ 8 bệnh nhân (27,00 ±3,78 tuổi) được chia thành 3 nhóm, nhóm mẫu tươi (nhóm đối chứng), nhóm mẫu trữ chậm và nhóm mẫu thủy tinh hóa. Kết quả cho thấy sau trữ rã bằng cả hai phương pháp, cấu trúc còn đầy đủ các thành phần nang quan trọng như nang nguyên thủy, nang sơ cấp, nang thứ cấp, tuy nhiên tổng số nang đếm được có xu hướng giảm, cụ thể là số nang sơ cấp sau trữ chậm là 5,11±4,14 nang, so với mẫu tươi là 18,63 ±15,34 nang, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<
0.05), số nang sơ cấp nhóm mẫu trữ thủy tinh hóa là 3,30±6,40 nang so với mẫu tươi là 18,63 ±15,34 nang, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<
0,05). Nổi bật cho thấy tỉ lệ số nang sơ cấp sau thủy tinh hóa (2.04 ± 2.83%) thấp hơn so với mẫu tươi (13,84 ±11,03 %), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<
0,05). Kết quả cho thấy cả hai phương pháp đông lạnh chậm và thủy tinh hóa đều có tiềm năng sử dụng được cho trữ mô buồng trứng và phương pháp đông lạnh chậm có thể hiệu quả hơn trên khía cạnh khảo sát mô học.