Ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát là mục tiêu mà bất kỳ Ngân hàng Trung ương nào cũng hướng tới. Tuy nhiên, lạm phát thường dễ bị ảnh hưởng của những biến động tạm thời gây ra bởi các cú sốc, có thể là cú sốc đến từ phía cung như biến động của giá dầu hoặc giá lương thực hay cú sốc đến từ phía cầu như nhu cầu hàng hoá tăng mạnh trong các dịp Lễ, Tết. Các cú sốc này khiến tỷ lệ lạm phát gia tăng tạm thời và giảm trở lại khi cú sốc qua đi. Việc thực hiện chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát trở về mức mục tiêu thường phải trả giá bằng việc sản lượng của nền kinh tế bị biến động. Do đó, chính sách tiền tệ không nhất thiết phải phản ứng với những thay đổi giá mang tính tạm thời. Để có thể kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả và tránh gây những biến động tiêu cực đối với sản lượng của nền kinh tế, điều quan trọng đối với các Ngân hàng Trung ương là phân biệt rõ yếu tố cơ bản, dài hạn và yếu tố tạm thời của lạm phát, từ đó tập trung vào kiểm soát các yếu tố cơ bản, dài hạn.