Quần thể Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) tại khu rừng Cao - Tả - Tùng của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chỉ còn khoảng 10 đến 20 cá thể do bị thu hẹp sinh cảnh sống và bị săn bắt. Nguyên nhân có thể là do công tác quản lý, bảo vệ rừng còn bất cập do chưa phải là rừng đặc dụng và áp lực của cộng đồng lên sinh cảnh của loài. Nghiên cứu này đã đánh giá một số tác động của cộng đồng dân cư đến sinh cảnh sống của Voọc mũi hếch tại khu vực này. Kết quả nghiên cứu đã thống kê được sinh kế chính của người dân ở đây là trồng ngô và thảo quả, vẫn có các hoạt động khai thác lâm sản, chủ yếu khai thác làm chất đốt. Đã xác định được năm mối đe doạ trực tiếp đến loài Voọc này tại khu rừng Cao - Tả - Tùng là săn bắt, khai thác gỗ, khai thác lâm sản ngoài gỗ, phá rừng làm nương rẫy và canh tác thảo quả. Các hoạt động của người dân tại ba thôn Và Thăng 2, Tả Ván, Chúng Chải có mức độ đe dọa rất cao và hai thôn Vàng Chá Phìn, Bản Thăng có mức độ đe dọa cao. Tình trạng trồng cây Thảo quả (Amomum tsao) dưới tán rừng tràn lan của người dân địa phương đã làm cho diện tích rừng bị thu hẹp lại, điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh cảnh của quần thể Voọc mũi hếch tại đây. Qua đó, chúng tôi đã đề xuất bốn giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của cộng đồng dân cư đến sinh cảnh của quần thể Voọc ở khu rừng Cao - Tả - Tùng là: i) Thành lập Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Voọc mũi hếch Quản Bạ
ii) Thực hiện các biện pháp kiểm soát và không mở rộng canh tác thảo quả dưới tán rừng
iii) Tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân địa phương
và iv) Phát triển các mô hình sinh kế cho người dân nhằm cải thiện mức sống, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng.