Đánh giá kết quả điều trị cho các bệnh nhân hẹp khí quản bẩm sinh có tình trạng suy hô hấp nguy kịch tại Trung tâm Tim mạch-Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 5 năm 2022 có 31 trẻ được xác định hẹp khí quản bẩm sinh có tình trạng suy hô hấp nguy kịch cần hỗ trợ thở máy tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuổi trung vị của các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu là 136 ngày, cân nặng khi phẫu thuật trung vị là 5,8kg. Có 20 trẻ nam và 11 trẻ nữ (tỷ lệ 2/1). Có 9 bệnh nhân (29%) có kết quả cấy nội khí quản có dương tính với vi khuẩn hoặc virus trước khi phẫu thuật và 16 bệnh nhân (51,6%) có kết quả cấy nội khí quản dương tính với vi khuẩn hoặc virus sau phẫu thuật. Có 23 bệnh nhân (74,2%) có tổn thương trong tim phối hợp, trong đó có 19 bệnh nhân (61,3%) có sling động mạch phổi. Toàn bộ các bệnh nhân trong nghiên cứu được tiến hành tạo hình khí quản trượt, trừ 1 trường hợp được tạo hình bằng cách cắt nối tận - tận. Chiều dài trung bình của đoạn hẹp khí quản là 4,2cm (tối thiểu 2 cm, tối đa 6cm). Thời gian chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể trung bình của các bệnh nhân trong nghiên cứu là 133,66 ± 55,28 phút, thời gian thở máy sau phẫu thuật trung bình là 196,41 ± 216,09 giờ, thời gian nằm viện sau phẫu thuật trung bình là 25,19 ± 11,10 ngày. Có 5 bệnh nhân (16,1%) tử vong sớm sau phẫu thuật và 1 bệnh nhân (3,2%) tử vong muộn sau phẫu thuật. Kết quả khám lại trên các bệnh nhân sống sót cho thấy có 1 trẻ bị khàn tiếng sau phẫu thuật, tất cả các trường hợp sống sót còn lại khác đều ổn định. Trong cùng thời gian nghiên cứu, có 61 trường hợp hẹp khí quản bẩm sinh khác được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong đó chỉ có duy nhất 1 trường hợp tử vong sau phẫu thuật. Kết quả điều trị cho các bệnh nhân hẹp khí quản bẩm sinh có tình trạng suy hô hấp nguy kịch cần hỗ trợ thở máy tại Bệnh viện Nhi Trung ương là khả quan. Phát hiện sớm bệnh lý hẹp khí quản bẩm sinh có thể giúp cải thiện tiên lượng và kết quả điều trị.