Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu. Tổng cộng 100 bệnh nhi từ sơ sinh đến 2 tuổi có chỉ định phẫu thuật tim với tuần hoàn ngoài cơ thể tại khoa Gây mê Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh từ 1/1/2021 đến 31/12/2021 được tham gia vào nghiên cứu. Liều mỗi giờ của các thuốc vận mạch, tăng co bóp cơ tim được ghi nhận trong 48 giờ đầu tiên sau khi đến khoa hồi sức ngoại và thang điểm VIS được tính toán. Thang điểm VIS được tính theo công thức: VIS= liều dopamin (µg/kg/phút) + liều dobutamin (µg/kg/phút) + 100×liều adrenalin (µg/kg/phút) + 10×liều milrinon (µg/kg/phút) + 10000×liều vasopressin (U/kg/phút) + 100×liều noradrenalin (µg/kg/phút).Tính giá trị tối đa và trung bình của VIS trong 24 giờ đầu tiên và VIS tối đa và VIS trung bình 24 giờ tiếp theo (giờ thứ 25 đến giờ thứ 48). Kết quả: Tỉ lệ bệnh nhi bị hội chứng cung lượng tim thấp là 38,0%. Có 20/100 trường hợp (20,0%) có kết cục lâm sàng xấu, trong đó có 19 trường hợp phải làm thẩm phân phúc mạc, 4/100 trường hợp (4,0%) bị ngưng tim, 2/100 trường hợp (2,0%) bị co giật, 1/100 trường hợp (1,0%) phải chạy ECMO và 4/100 trường hợp (4,0%) bị tử vong sau phẫu thuật. Những bệnh nhân ở nhóm VIS cao (VIS trung bình 48 giờ ≥ 11,06) so với nhóm VIS thấp (VIS trung bình 48 giờ <
11,06) có liên quan với thời gian thở máy dài hơn, thời gian nằm hồi sức dài hơn, thời gian cân bằng dịch âm đầu tiên dài hơn., Kết luận: Chỉ số VIS cao sau phẫu thuật là một yếu tố tiên lượng của kết cục lâm sàng xấu, thời gian thở máy kéo dài, thời gian nằm hồi sức kéo dài.