Rác thải nhựa trong môi trường biển đã trở thành một mối quan tâm lớn vì chất thải nhựa tồn tại lâu trong đại dương, sinh ra những hậu quả khó lường đối với sinh vật biển và sức khỏe con người. Để đề xuất các chính sách chiến lược giảm thiểu rác thải nhựa, nhà hoạch định chính sách phải được cập nhật thông tin định lượng của các nguồn rác thải nhựa đại dương. Rác thải phát sinh từ các hoạt động trong đời sống của mỗi cá nhân, nếu không được thu gom và quản lý, sẽ bị thất thoát và cuốn theo gió mưa, độ dốc, kênh rạch, rồi trôi theo sông ra biển. Nghiên cứu này nhằm trình bày một phương pháp ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) kèm theo sự biến thiên theo không gian và thời gian để phân tích số liệu thứ cấp của nguồn rác thải nhựa từ các nguồn thải ra đại dương dựa trên số liệu dân số xã hội, số liệu thống kê thứ cấp về tỷ trọng rác thải nhựa, đặc điểm địa hình như hệ thống sông ngòi, thủy văn. Kết quả mô phỏng của đề tài nghiên cứu cung cấp dữ liệu về lượng rác thải tại các địa điểm sông, chia theo từng khu vực tại thành phố Đà Nẵng, cùng với các so sánh và hiệu chỉnh dựa trên các báo cáo số liệu khảo sát thực tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), và báo cáo môi trường của chính quyền địa phương. Mô phỏng ước tính rằng mật độ và khối lượng rác thải trung bình hiện đang đổ vào đại dương từ các con sông tại vùng nghiên cứu là 304,5 kg/tháng/1km2 (số liệu năm 2021). Kết quả của mô hình cũng được đánh giá bằng cách giải đoán trên ảnh vệ tinh có độ phân giải cao tại 10 địa điểm tích rác (hotspots). Các phát hiện của nghiên cứu này đã cải thiện tính chi tiết và địa phương hóa của mô hình ước tính khối lượng rác thải nhựa đại dương hiện có nhằm cung cấp dữ liệu để hỗ trợ cho các chính sách chiến lược giám sát và giảm thiểu rác nhựa trong tương lai.