Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vậy, viêm gan B có thể dự phòng bằng việc thay đổi lối sống và hành vi. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccin viêm gan B. Khảo sát tỉ lệ và mức độ kháng thể (IgG) tạo được trong máu ở người và xác định một số yếu tố liên quan đến khả năng đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm 3 liều vaccin viêm gan B. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang có phân tích dựa trên 157 người ≥ 6 tháng tuổi đã được tiêm 3 liều vaccin viêm gan B và xét nghiệm anti-HBs 27-34 ngày sau khi tiêm liều cuối cùng từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023. Xử lý số liệu bằng Excel 2016 và SPSS 22.0, dùng phép kiểm Chi-square (hoặc Fisher) với KTC 95%. Có 93,6% người có anti-HBs ≥ 10mUI/mL, trong đó có 84,7% có anti-HBs ≥ 100mUI/mL cùng 8,9% có anti-HBs từ 10-100mUI/mL và 6,4% có anti-HBs <
10mUI/mL. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy: có mối liên quan giữa đáp ứng miễn dịch với tuổi, chỉ số BMI, thói quen uống rượu bia, bệnh mắc kèm (tim bẩm sinh, suy thận, đái tháo đường, béo phì, khiếm khuyết hệ miễn dịch, HIV, lao…) và yếu tố không liên quan là giới tính, thói quen hút thuốc lá. Tỷ lệ đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm 3 mũi vaccin viêm gan siêu vi B là 93,6%. Có mối liên quan giữa tuổi, chỉ số BMI, thói quen uống rượu bia, bệnh mắc kèm với khả năng đáp ứng miễn dịch, yếu tố không liên quan là giới tính, thói quen hút thuốc lá.