Đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng đường hầm nhỏ và đường hầm tiêu chuẩn trên cùng một vị trí trong phẫu thuật lấy sỏi thận qua da với ống soi thận nhỏ điều trị sỏi thận lớn. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu được thực hiện trên 51 thận của 48 bệnh nhân sỏi thận lớn được điều trị bằng phẫu thuật lấy sỏi thận qua da tại khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2023. Bệnh nhân được lấy sỏi thận qua da qua một đường hầm biến đổi kênh nhỏ và kênh tiêu chuẩn. Kết quả: Tuổi trung bình của bệnh nhân 38,6 ± 8,7 tuổi (22 – 68). Sỏi bể thận 6 trường hợp (11,8%), sỏi san hô 28 trường hợp (54,9%), sỏi đài bể thận 17 trường hợp (33,3%). Mức độ ứ nước thận, độ I: 21 trường hợp (41,2%), độ II: 23 trường hợp (45,1%), độ III: 2 trường hợp (3,9%), không ứ nước 5 trường hợp (9,8%). Kích thước sỏi, 21-30mm: 8 trường hợp (15,7%), 31-40mm: 27 trường hợp (52,9%) và >
40mm: 16 trường hợp (31,4%). Vị trí chọc dò: đài dưới 14 trường hợp (27,4%), đài giữa 31 trường hợp (60,8%) và đài trên 6 trường hợp (11,8%). Thời gian chọc dò trung bình 1,2 ± 2,2 phút. Thời gian nong đường hầm trung bình 2,6 ± 1,7 phút. Thời gian phẫu thuật trung bình 113,7 ± 87,5 phút (64 phút – 375 phút). Tỷ lệ sạch sỏi 45/51 chiếm 88,2%. Kết luận: Phẫu thuật lấy sỏi thận qua da bằng một đường hầm kết hợp kênh nhỏ và kênh tiêu chuẩn điều trị sỏi thận lớn với máy Laser công suất trung bình (40-65W) mang lại hiệu quả cao với thời gian phẫu thuật ngắn và tỷ lệ sạch sỏi cao.