Việc sử dụng và phối hợp thuốc giảm đau trong điều trị ngày càng trở nên phổ biến. Bên cạnh những lợi ích mang lại từ việc phối hợp đó cũng đi kèm với các nguy cơ về các biến chứng trên tim mạch và đường tiêu hóa nếu việc sử dụng thuốc là không hợp lý. (1) Nghiên cứu đặc điểm sử dụng thuốc giảm đau ở bệnh nhân điều trị ngoại trú không tham gia Bảo hiểm Y tế
(2) Xác định tỷ lệ sử dụng thuốc giảm đau không hợp lý theo quy định của Bộ Y tế. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 400 đơn thuốc có sử dụng thuốc giảm đau ở bệnh nhân điều trị ngoại trú không tham gia Bảo hiểm Y tế tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023. Tỷ lệ đơn sử dụng giảm đau ngoại biên, giảm đau trung ương lần lượt là 100%, 20,5%. Celecoxib có tỷ lệ sử dụng nhiều nhất (47,5%) trong nhóm giảm đau kháng viêm không steroid. Nhóm giảm đau trung ương có Tramadol được lựa chọn chính để phối hợp (20%). Với giảm đau hỗ trợ, Gabapentin có tỷ lệ sử dụng cao nhất (14%). Kiểu phối hợp bậc 1 theo thang giảm đau ba bậc là phổ biến nhất (79,5%). Tỷ lệ sử dụng thuốc giảm đau không hợp lý là 22,25% trong đó chỉ số sử dụng thuốc không hợp lý về chỉ định là cao nhất (19,5%). Thuốc giảm đau được sử dụng đa dạng trong điều trị. Tỷ lệ đơn thuốc giảm đau được sử dụng chưa hợp lý chung (22,25%), cần chú ý đến việc bổ sung chẩn đoán bệnh trước khi chỉ định sử dụng thuốc và tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế trong sử dụng thuốc giảm đau.