Khảo sát nhu cầu ứng dụng phương pháp mô phỏng trong đào tạo điều dưỡng và sự sẵn sàng của sinh viên điều dưỡng tại Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu bao gồm chuyên gia, giáo viên và sinh viên điều dưỡng. Kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng dựa trên bộ công cụ để khảo sát đối tượng nghiên cứu. Phân tích thống kê mô tả và phân tích nội dung được sử dụng trong phân tích số liệu. Kết quả: 100% giảng viên nhận thấy mức độ quan trọng và sự cần thiết của phương pháp mô phỏng trong đào tạo điều dưỡng. Kỹ năng ra quyết định lâm sàng (4,21 ± 0,80) và làm việc nhóm (4,29 ± 0,82) là lợi ích của phương pháp giảng dạy mô phỏng. Nhiều mô phỏng ảo có sẵn không phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam (3,93 ± 0,73) là thách thức khi áp dụng. Sự sẵn sàng về phương pháp mô phỏng trên sinh viên điều dưỡng ở mức độ trung bình (61,23 ± 10,80). Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy nhu cầu bức thiết trong ứng dụng phương pháp mô phỏng trong đào tạo điều dưỡng. Sự sẵn sàng về phương pháp mô phỏng trên sinh viên điều dưỡng ở mức độ thấp. Vì vậy, cần triển khai và nhân rộng áp dụng phương pháp mô phỏng trong đào tạo điều dưỡng.