Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Mục tiêu: Mô tả kiến thức dự phòng và xử trí phản vệ của sinh viên (SV) điều dưỡng năm thứ 2 và đánh giá hiệu quả can thiệp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu bán thực nghiệm trên 138 sinh viên năm 2 của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế. Sử dụng bộ câu hỏi được thiết kế sẵn dựa trên thông tư 51/2017/TT-BYT. Kết quả: Có 100% sinh viên tăng tỷ lệ trả lời đúng kiến thức về dự phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ sau can thiệp. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của sinh viên điều dưỡng đối với kiến thức chung về phản vệ, kiến thức dự phòng phản vệ, kiến thức về xử trí và theo dõi phản vệ trước và sau khi can thiệp (p<
0,001). Kết luận: Sau khi thực hiện can thiệp về sốc phản vệ thì kiến thức về dự phòng và xử trí phản vệ của SV được cải thiện khá tốt, tuy nhiên nhiều thiếu hụt kiến thức vẫn còn trên sinh viên sau khi can thiệp. Vì vậy, cần có các tình huống mô phỏng liên quan đến phản vệ cho SV trong quá trình học tập tại trường và đi lâm sàng, để nâng cao kiến thức của người học.