Tại Việt Nam, quy trình chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu (NKĐTN) bắt đầu với xét nghiệm Tổng phân tích nước tiểu (TPTNT) để tầm soát và chẩn đoán xác định bằng phương pháp cấy nước tiểu (CNT). Tuy nhiên, quy trình vẫn tồn tại nhiều hạn chế như thời gian cấy lâu (72h) với tỷ lệ âm tính cao, tình trạng viêm không nhiễm (đặc biệt ở bệnh nhân hậu phẫu) gây tốn chi phí điều trị. Vì vậy, cần có một xét nghiệm nhanh chóng và tin cậy để có thể cải thiện vấn đề trên. Đánh giá độ tin cậy của xét nghiệm Phân tích cặn lắng nước tiểu (PTCLNT) trong việc chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu bằng xét nghiệm số lượng vi khuẩn nước tiểu thông qua máy Sysmex UF-5000 và so sánh với xét nghiệm TPTNT thường quy. Với giá trị ngưỡng vi khuẩn trong nước tiểu ≥105 tế bào/uL, PTCLNT bằng máy Sysmex UF-5000 cho thấy hiệu quả cao trong tầm soát NKĐTN với độ nhạy 90,7%, giá trị tiên đoán âm 92,4%, độ đặc hiệu 47% và giá trị tiên đoán dương 41,7%. So sánh với PTCLNT, TPTNT (Leu(+) và Nitrit(+)) cho thấy ưu thế về độ đặc hiệu 97% nhưng độ nhạy chỉ 42,3%, giá trị tiên đoán âm 80,1%, giá trị tiên đoán dương 85.5%. Xét nghiệm PTCLNT bằng máy Sysmex UF- 5000 có độ chính xác cao trong việc chẩn đoán loại trừ NKĐTN, giảm số lượng mẫu nước tiểu cần cấy cũng như tránh sử dụng sớm kháng sinh không cần thiết. Tuy nhiên, TPTNT có giá trị hơn PTCLNT trong gợi ý chẩn đoán NKĐTN với độ đặc hiệu cao. Do đó, cần kết hợp xét nghiệm PTCLNT và TPTNT trong quy trình chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu.