Xác định tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) và các yếu tố liên quan tại bệnh viện Trung ương Huế. Đối tượng, phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 495 thai phụ đến khám và quản lý thai kỳ tại bệnh viện Trung ương Huế có tuổi thai 24 - 28 tuần, từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 06 năm 2022. Tất cả các thai phụ được tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose (NPDNG) và lấy máu định lượng nồng độ glucose tại các thời điểm: lúc đói (G0), sau 1 giờ (G1) và sau 2 giờ (G2). Tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐTK theo ADA 2020. Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0. Kết quả: Tỷ lệ mắc ĐTĐTK ở đối tượng nghiên cứu là 20,4%. Các yếu tố tuổi ≥ 35 (OR = 2,74), BMI ≥ 23 (OR = 2,35), cân nặng con lần mang thai trước ≥ 3500 gam (OR = 3,39), tiền sử gia đình mắc ĐTĐ (OR = 2,44) là các yếu tố liên quan với ĐTĐTK. Tuổi ≥ 35 (OR = 2,75, p <
0,01) và tiền sử sinh con ≥ 3500 gam (OR = 3,00, p <
0,01) là các yếu tố nguy cơ độc lập với ĐTĐTK. Có 97% thai phụ được điều trị bằng tư vấn chế độ ăn, 3% được sử dụng insulin. Sau theo dõi 3 tháng sau sinh, 100% thai phụ mắc ĐTĐTK chưa phát hiện trường hợp nào tiến triển thành ĐTĐ. Kết luận: Các biện pháp can thiệp phù hợp với bối cảnh cụ thể và phù hợp là cần thiết để phòng ngừa và chẩn đoán sớm ĐTĐTK. Gánh nặng kinh tế và sức khỏe lâu dài sẽ là không thể tránh khỏi trừ khi các hành động nhanh chóng được thực hiện.