Phân tích ảnh hưởng của việc hiệu chỉnh tỉ trọng ảnh CT tại các vùng nhiễu ảnh gây bởi tán xạ ở răng trong tính liều xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) một số ung thư đầu - cổ sử dụng thuật toán phân tích bất đẳng hướng (AAA) và Acuros XB (AXB) trên phần mềm lập kế hoạch xạ trị (TPS) Eclipse v13.0. Đối tượng và phương pháp: 12 chuỗi ảnh CT cùng với 12 kế hoạch đã được phê duyệt và điều trị của 12 bệnh nhân ung thư đầu - cổ có các vùng nhiễu ảnh do tán xạ gây ra bởi răng có mật độ vật chất cao. Các kế hoạch được lập trên phần mềm lập kế hoạch xạ trị Eclipse v13.0 sử dụng thuật toán AAA và AXB. Phương pháp: Nhân bản mỗi chuỗi CT mô phỏng ban đầu ra làm 2 chuỗi CT nghiên cứu: CT_AAA (không hiệu chỉnh tỷ trọng) và CT_AXB (có hiệu chỉnh tỷ trọng). Nhân bản mỗi kế hoạch ban đầu ra làm 6 kế hoạch: AAA_ReCal, AAA_ReOpt, AAA_AXB, AXB_ReCal, AXB_ReOpt và AXB_AAA. Tối ưu hóa lại kế hoạch và/hoặc tính lại liều kế hoạch sử dụng thuật toán AAA, AXB tương ứng. Tiến hành so sánh và đánh giá phân bố liều tại các vùng: Khoang khí, xương, mô cũng như các vùng bị tán xạ để phân tích ảnh hưởng của việc hiệu chỉnh tỷ trọng trong tính liều bằng thuật toán AAA và AXB. Kết quả: Trong vùng khoang khí và vùng xương, liều tính toán sử dụng thuật toán AXB thấp hơn hơn đáng kể so với liều tính toán sử dụng thuật toán AAA lần lượt là 13,38% và 5,31% (p<
0,0001). Đối với thuật toán AAA, việc hiệu chỉnh tỷ trọng không ảnh hưởng nhiều đến liều tính toán, trên chuỗi ảnh CT_AXB liều tính toán cao hơn trên chuỗi ảnh CT_AAA chỉ khoảng 1,47% (p<
0,0001). Đối với thuật toán AXB, việc hiệu chỉnh tỷ trọng có ảnh hưởng tương đối đến liều tính toán, tại các vùng hiệu chỉnh tỷ trọng liều tính toán sử dụng thuật toán AXB cao hơn liều tính toán sử dụng thuật toán AAA khoảng 3,71% (p<
0,0001). Kiểm tra chất lượng (QA) các kế hoạch AXB bằng phương pháp Gamma Index với thông số ΔD/Δd = 3%/3mm cho tỷ lệ đạt cao hơn các kế hoạch AAA khoảng 1,01% (p<
0,0001). Thời gian tối ưu hóa và tính liều kế hoạch VMAT sử dụng thuật toán AXB nhanh hơn 2,05 lần so với sử dụng thuật toán AAA (p<
0,0001). Kết luận: Trong lập kế hoạch xạ trị VMAT một số ung thư đầu - cổ, việc hiệu chỉnh tỷ trọng ảnh CT tại một số vùng bị tán xạ gây bởi răng có mật độ vật chất cao và sử dụng thuật toán AXB là cần thiết giúp nâng cao độ chính xác và giảm thời gian trong tính toán liều xạ trị cho bệnh nhân.