Nuôi tôm đã trở thành ngành sản xuất có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua. Mặc dù diện tích nuôi tôm đã tăng mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn có một thách thức lớn là dịch bệnh ảnh hưởng đến sản lượng tôm, do xác định sai dịch bệnh và các yếu tố nguy cơ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, Enterocytozoon hepatopanaei (EHP), bệnh phân trắng (White Feces Disease - WFD) và bệnh chậm lớn (Growth Retardation Disease - GRD) đang là những mối quan tâm lớn. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố nguy cơ gây nhiễm EHP, WFD và GRD, cũng như xác định mối liên hệ giữa ba bệnh này trên tôm thẻ chân trắng. Trong nghiên cứu này, đã sử dụng phương pháp tiếp cận dịch tễ học và xây dựng mô hình hồi quy logistic đa biến để xác định các yếu tố nguy cơ. Kết quả cho thấy, nhiễm EHP (34/102 ao, chiếm tỷ lệ 33,3%) có liên quan đến bệnh WFD (17/102 ao, chiếm tỷ lệ 16,7%). Trong khi đó, nhiễm EHP và WFD không liên quan đến GRD (46/102 ao, chiếm tỷ lệ 45,1%). Sự lây nhiễm EHP ở tôm có liên quan đến hai yếu tố nguy cơ bao gồm nước ao bị nhiễm EHP và nồng độ khí độc N-NO2- trong ao ≥ 0,5 ppm. Các yếu tố nguy cơ đối với WFD bao gồm bốn yếu tố: mực nước ao nuôi ≤ 1,2 m, nuôi tôm trong mùa mưa, tôm bị nhiễm EHP và áp dụng kỹ thuật nuôi tôm truyền thống. Bệnh chậm lớn được phát hiện có 5 yếu tố nguy cơ bao gồm có sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, tuổi tôm ≥ 58 ngày, độ mặn nước ao <
15 ppt, nồng độ khí độc N-NH4+ trong ao ≥ 1 ppm và áp dụng kỹ thuật nuôi tôm truyền thống. Xác suất dự đoán bệnh do nhiễm EHP, WFD và GRD trên tôm nuôi lần lượt là 94, 98 và 95%.