Viêm gan siêu vi B là bệnh truyền nhiễm mạn tính chưa có thuốc điều trị triệt để. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được thông qua nâng cao kiến thức vế bệnh, tiêm vắc xin và thay đổi các hành vi nguy cơ truyền nhiễm. Nghiên cứu thực hiện với mục tiêu: đánh giá về kiến thức và hành vi trong phòng chống nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tại địa bàn tỉnh Trà Vinh. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả. Có 1.289 người dân địa bàn tỉnh Trà Vinh tham gia phỏng vấn và nghiên cứu từ ngày 1/12/2021 đến ngày 1/6/2022. Kết quả: Đa số đối tượng nghiên cứu đã từng có nghe nói về bệnh nhiễm viêm gan siêu vi B mạn, trên phân nửa người dân có biết bệnh có thể gây xơ gan và ung thư gan. Chỉ 38,5% bệnh nhân biết Việt Nam nằm trong vùng dịch của bệnh viêm gan siêu vi B. Hầu hết người dân cho rằng triệu chứng thường gặp của bệnh là vàng da vàng mắt chiếm 48% và có 32,5%. Đa số người dân (80,37%) biết phải xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh. Hầu hết đối tượng nghiên cứu biết rằng viêm gan siêu vi B có thể lây truyền, chiếm 68,5%, tỉ lệ người biết bệnh có thể lây truyền qua dụng cụ tiêm chích, dụng cụ cá nhân dùng chung, mẹ sang con và tình dục lần lượt là 64,39%, 56,79%, 34,76% và 21,18%. Trong nghiên cứu nhận thấy có mối liên quan giữa việc biết đúng biện pháp dự phòng lây bệnh viêm gan siêu vi B và tỉ lệ nhiễm bệnh, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, p=0,005. Kết luận: Tỉ lệ người dân ở tỉnh Trà Vinh có kiến thức về bệnh viêm gan siêu vi B là tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn hạn chế trong kiến thức về đường lây. Việc nâng cao kiến thức phòng lây nhiễm nhất là tuyên truyền về phòng ngừa lây từ mẹ sang con là điểm đáng lưu tâm trong các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng về phòng chống nhiễm VGSV B mạn.