Đánh giá sự phát triển của thai nhi là một trong những mục tiêu quan trọng quản lý thai nghén và chăm sóc trước sinh. Sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó ba yếu tố được coi là quan trọng nhất các tình trạng từ mẹ, thai nhi và rau thai. Theo Liên đoàn Phụ khoa và Sản khoa Quốc tế (FIGO) năm 2021 thai chậm tăng trưởng trong tử cung (FGR) được định nghĩa là việc thai nhi không đáp ứng được tiềm năng phát triển của nó do một hay nhiều yếu tố bệnh lý gây ra, thường gặp nhất là tình trạng rối loạn chức năng rau thai. Trên toàn thế giới, FGR xảy ra ở 10% các trường hợp mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây ra thai chết lưu, tử vong sơ sinh và các bệnh tật ngắn hạn và dài hạn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, FGR là một vấn đề sản khoa phức tạp với các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau, tỷ lệ chẩn đoán sớm thấp trong khi các lựa chọn điều trị và phòng ngừa còn rất hạn chế. Mục đích của tổng quan này là cung cấp một bản tóm tắt toàn diện dựa trên các bằng chứng, hướng dẫn của các hiệp hội sản khoa lớn trên thế giới như: ACOG, FIGO, ISUOG, SMFM, đã có để có cách tiếp cận sớm, kế hoạch theo dõi, quản lý tốt các thai kỳ có nguy cơ hoặc FGR, nhằm giảm nguy cơ thai chết lưu, tử vong sơ sinh và bệnh tật liên quan đến tình trạng này. Theo ACOG, FIGO, SMFM thai chậm tăng trưởng trong tử cung được chẩn đoán khi chu vi vòng bụng (AC) và/hoặc ước lượng cân nặng thai (EFW) <
bách phân vị thứ 10 theo tuổi thai, FGR được chia làm hai loại là FGR khởi phát sớm <
32 tuần và FGR khởi phát muộn sau 32 tuần, cho đến hiện tại chưa có hướng điều trị FGR mang lại hiệu quả tốt nhất nhưng hướng tiếp cận được nhiều hiệp hội khuyến cáo mang lại hiệu quả tốt đó là chẩn đoán sớm, theo dõi sát và chọn đúng thời điểm để chấm dứt thai kỳ.