Vũ Hạnh là một trong những tên tuổi nổi bật của văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975. Ông là cây bút hiếm hoi có nhiều tác phẩm đậm tinh thần dân tộc được xuất bản công khai giữa lòng đô thị Sài Gòn vào những tháng năm chiến tranh khốc liệt nhất. Tác giả viết nhiều về phẩm chất nên có của người cầm bút, về hiện trạng rối ren của xã hội, về giá trị truyền thống dân tộc, nhất là văn hóa của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Bằng việc đưa văn hóa Tây Nguyên vào trong các sáng tác, nhà văn đã thổi vào các truyện ngắn của mình một làn gió mới. Từ góc độ văn hóa, đặc biệt ở hai phương diện phong tục và con người, bài viết sẽ soi chiếu, ghi nhận và đánh giá giá trị của những tác phẩm mang đậm màu sắc văn hóa Tây Nguyên dưới ngòi bút Vũ Hạnh. Qua đó, không chỉ thể hiện được mối liên hệ, gắn bó không thể tách rời giữa văn hóa và văn học mà còn khẳng định được giá trị của những yếu tố văn hóa, đặc biệt là văn hóa Tây Nguyên đậm đà bản sắc giữa bối cảnh rối ren, phức tạp của xã hội miền Nam Việt Nam trong những tháng năm đất nước bị chia cắt.