Răng rời khỏi xương ổ có thể cắm lại nếu được bảo quản thích hợp. Mục tiêu nghiên cứu: đánh giá tỷ lệ sống sót của tế bào dây chằng nha chu trong các môi trường lưu trữ ở các thời điểm khác nhau sau khi răng rời khỏi xương ổ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 46 răng răng cối nhỏ và răng cối lớn thứ ba được chia vào 4 môi trường lưu trữ (DMEM, sữa, nước muối sinh lý, nước uống bù điện giải) và ngẫu nhiên trong 4 khoảng thời gian (30 phút, 1 giờ, 2 giờ, 24 giờ). Bề mặt chân răng được cạo để thu thập tế bào dây chằng nha chu. Các tế bào được nhuộm bằng dung dịch Trypan blue 0,4% và quan sát trên kính hiển vi đảo ngược qua buồng đếm Neubauer. So sánh tỷ lệ phần trăm tế bào sống sót giữa các nhóm nghiên cứu sử dụng phép thử Kruskal - Wallis và bổ sung phép thử Scheffé (α = 5%). Kết quả: Ở thời điểm 30 phút, cả 4 môi trường đều cho tỷ lệ tế bào sống sót cao (trên 95%) (p >
0,05). Ở thời điểm 1 giờ, tỷ lệ sống sót của tế bào ở DMEM, sữa, nước uống bù điện giải cao hơn nước muối sinh lý (p <
0,05) trong khi ở thời điểm 2 giờ và 24 giờ, DMEM và sữa có tỷ lệ tế bào sống cao hơn (p <
0,05). Kết luận: Sữa là môi trường lưu trữ thuận lợi cho khả năng sống sót của tế bào dây chằng nha chu, nước uống bù điện giải cho thấy hoàn toàn có thể thay thế sữa khi thời gian lưu trữ không quá 1 giờ.