TRên cơ sở các tài liệu mới về khảo sát địa chất và điều tra khoáng sản được tiến hành ở Tây Bắc Lào trong những năm 2000 trở lại đây, đặc biệt là công trình hợp tác giữa Liên đoàn Intergeo, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam với Cục Địa chất CHDCND Lào về Đề án "Điều tra khoáng sản và lập bản đồ địa chất vùng Bắc Lào tỷ lệ 200.000", đặc điểm cấu trúc địa chất và khoáng sản của vùng Bắc Lào nói chung và khu vực Tây Bắc Lào nói riêng, đã được làm sáng tỏ. Về địa chất: Đã phân ra được 13 phân vị địa tầng, có tuổi từ Carbon đến Đệ tứ và 6 thành tạo magma đặc trưng cho khu vực Tây Bắc Lào. Việc phát hiện ra các thành tạo siêu mafic ở Pakbeng (tỉnh Oudomxai) có ý nghĩa cho việc luận giải kiến tạo trong khu vực. Về kiến tạo: Đã phân chia ra các đơn vị kiến tạo ở Tây Bắc Lào, phù hợp với cấu trúc của các vùng kế cận trên lãnh thổ Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan, gồm: miền vỏ địa khu cỏ tuổi Mesozoi sớm và các trũng chồng nội lục Mesozoi-Kainozoi. Làm sáng tỏ vị trí đường khâu Nan Uttaradit trên phần diện tích Tây Bắc Lào, trước đây vẫn còn bỏ ngỏ
khẳng định khu vực Tây Bắc Lào thuộc địa khu Simao và có ranh giới với địa khu Indosinia là đường khâu Nan Uttaradit. Về khoáng sản: Đã tiến hành điều tra, đánh giá các loại khoáng sản trong khu vực như: đá quý, than nâu, đồng, vàng, muối mỏ. Sự phân tích mối liên quan giữa sự phân bố khoáng sản với đặc điểm cấu trúc địa chất, hoạt động magma và kiến tạo cho thấy các khoáng sản nêu trên là các khoáng sản trọng tâm, có tiềm năng, cần được đầu tư để làm rõ triển vọng, nhằm phục vụ thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế trong khu vực.