Trong lý thuyết quan hệ quốc tế, việc sở hữu vũ khí hạt nhân (VKHN) được các học giả phân tích theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nếu như chủ nghĩa hiện thực coi là biểu tượng cho tham vọng của nhà nước để tự bảo vệ mình, phản ứng với những bất ổn về an ninh và tham vọng tự vệ một cách độc lập, VKHN xuất phát từ lợi ích quốc gia cùng những sức ép từ hệ thống quốc tế thì chủ nghĩa kiến tạo (CNKT) lại đưa ra góc nhìn khác. CNKT coi những quyết định hạt nhân xuất phát từ nhận thức của giới tinh hoa (elite), có chức năng mang tính biểu tượng quan trọng, vừa định hình, vừa phản ánh bản sắc của nhà nước. Theo góc nhìn này, hành vi của nhà nước không chỉ bị tác động từ những tính toán về lợi ích của các nhà lãnh đạo quốc gia mà còn bị định hướng bởi giới tinh hoa, bởi những nguyên tắc và niềm tin chung của các nhà lãnh đạo về những hành động được coi là hợp lệ và thích đáng trong quaq hệ quốc tế.