Nghiên cứu về phát triển nông thôn và giảm nghèo trong những thập kỷ gần đây, vấn đề sinh kế và sinh kế bền vững đã trở thành mục tiêu nghiên cứu với nhiều cấp độ và hướng tiếp cận đa dạng. Theo đó, khung sinh kế bền vững do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (Department for International Development - DFID) đưa ra được các học giả và các cơ quan phát triển ứng dụng rộng rãi và được coi là một cách tiếp cận toàn diện về các vấn đề phát triển về sinh kế của con người và đói nghèo trong các bối cảnh khác nhau. Tiếp cận lý thuyết khung sinh kế bền vững DFID trong nghiên cứu sinh kế của người Mạ ở Vườn quốc gia Vát Tiên là xem xét các loại tài sản của người Mạ dùng để đảm bảo sinh kế của mình bao gồm: vốn con người, vốn vật chất, vốn tài chính, vốn tự nhiên và vốn xã hội. Qua đó đặt vấn đề nghiên cứu sinh kế của người Mạ trong bối cảnh và các thể chế, chính sách có ảnh hưởng đến sự tiếp cận và sử dụng các tài sản sinh kế mà cuối cùng ảnh hưởng đến kết quả sinh kế.