Nghiên cứu này nhằm làm rõ và bổ sung các thông tin về khu vực phân bố, điều kiện sống và tình trạng của các loài Cu li và các loài Khỉ làm cơ sở để đề xuất các giải pháp bảo tồn các loài này cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. Phương pháp phỏng vấn, điều tra bằng bẫy ảnh, điều tra thực địa và điều tra vật nuôi làm cảnh trong dân đã được sử dụng để thu thập các số liệu liên quan đến nội dung nghiên cứu. Kết quả cho thấy có 2 loài Cu li và 5 loài Khỉ phân bố ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khỉ vàng (Macaca mulatta) tập trung chủ yếu ở Khu Bảo tồn (KBT) Sao La và Vườn Quốc gia Bạch Mã, trong khi Khỉ đuôi dài (M. fascicularis) phân bố ở các vùng đất thấp hơn của Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Phong Điền và Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã, tuy nhiên, kích thước quần thể là rất nhỏ. Các nghiên cứu trước đây chưa ghi nhận được loại Khỉ mốc (M. assamensis) ở khu vực nghiên cứu, tuy nhiên từ thông tin phỏng vấn và ghi nhận vật nuôi làm cảnh có thể bước đầu khẳng định Thừa Thiên - Huế là vùng phân bố mới của loài Khỉ mốc. Khỉ đuôi lợn (M. Leonina) và Khỉ mặt đỏ (M. arctoides) có phân bố ở tất cả các rừng đặc dụng với tỷ lệ thợ săn và tỷ lệ bẫy ảnh ghi nhận được cao hơn so với các loài còn lại. Kết quả điều tra phỏng vấn và vật nuôi làm cảnh trong cộng đồng dân cư địa phương đã khẳng định sự có mặt của 2 loài Cu li lớn (Nycticebus bengalensis) và Cu li nhỏ (N. pygmaeus) ở khu vực nghiên cứu. Tất cả các loài Cu li và Khỉ được ghi nhân đều là những loài quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, mật độ quần thể đang ngày càng bị suy giảm. Năm mối đe dọa chính đối với các loài Cu li và loài Khỉ đã được xác định, trong đó săn bắt là mối đe dọa nghiêm trọng nhất.