Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi nồng độ glucose trong máu tăng cao, nguyên nhân do sự thiếu hụt bài tiết insulin từ tế bào β đảo tụy hoặc khả năng hoạt động của insulin bị suy giảm. Protein tyrosin phosphatase 1B (PTP1B) xúc tác quá trình loại bỏ nhóm phosphate từ phosphotyrosin của thụ thể insulin do đó làm giảm tác dụng của insulin tới các mô đích. Vì vậy, ức chế enzym này là phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2. Cây mướp đắng (Momordica charantia) được chứng minh là có tác dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sàng lọc các hợp chất có tác dụng ức chế enzym PTP1B trong cây mướp đắng bằng phương pháp docking phân tử nhằm tìm kiếm hợp chất có thể phát triển thành thuốc để điều trị bệnh đái tháo đường. Dựa trên các công bố trước đây về cây mướp đắng, chúng tôi thu thập được 57 hợp chất. Kết quả cho thấy có 3 hợp chất có tác dụng ức chế PTP1B mạnh nhất là luteolin-7-O-glycoside, apigenin-7-O-glycoside và δ-cadinene. Phân tích quy tắc 5 tiêu chí của Lipinski cho thấy 2 hợp chất có đặc tính giống thuốc là luteolin-7-O-glycoside và δ-cadinene. Ngoài ra, kết quả dự đoán thông số dược động học cho thấy các hợp chất có khả năng hấp thu ở ruột rất tốt, không bị chuyển hóa qua gan, thải trừ qua thận và độc tính thấp. Kết luận(:) hợp chất luteolin-7-O-glycoside, δ-cadinene trong cây mướp đắng là các hợp chất tiềm năng và phát triển thành thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.