Gai xanh là cây lấy sợi từ vỏ có giá trị để sản xuất quần áo thời trang cao cấp cũng như những mặt hàng khác trong đời sống kinh tế - xã hội. Để từng bước đưa cây gai xanh vào sản xuất đại trà, cần xác định biện pháp kỹ thuật hợp lý, có cơ sở khoa học, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác trước khi đưa ra sản xuất đại trà. Nghiên cứu này đã xác định được một số khâu kỹ thuật như thời vụ trồng giống gai xanh AP1 thích hợp nhất vào: tháng 2 và tháng 8, đều cho cây sinh trưởng, phát triển tốt và năng suất cao. Mật độ trồng thích hợp khoảng 3-3,5 vạn cây/ha. Bón lót: khi cày đất bón 20 tấn phân chuồng + 1,5-2 tấn vôi + 670kg lân nung chảy Ninh Bình hoặc supe lân Lâm Thao + 180kg SA + 42kg KCL/ha. Bón thúc: Sau mỗi lần thu hoạch đảm bảo năng suất thân tươi và năng suất bẹ khô cao. Nghiên cứu cho thấy sâu hại chính trên giống gai AP1 là sâu sâu ăn lá Acraea issoria Hubner, gây hại chủ yếu vào giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Sâu cuốn lá, rệp sáp, sâu khoang, sâu xanh da láng, nhện đỏ xuất hiện cục bộ và gây ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng, phát triển của giống gai xanh AP1. Bệnh đốm lá, bệnh phấn trắng gây hại không đáng kể đến sinh trưởng, phát triển của cây. Thuốc bảo vệ thực vật như Regent 800WG với liều lượng 80g/ha, Amate 150SC 0,3 lít/ha và Virtako 400WG với liều lượng 75g/ha có hiệu lực cao trong phòng trừ sâu ăn lá gây hại cây gai xanh.