Trong hai năm 2016-2017, ngành trái cây Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá đáng ghi nhận khi góp phần đưa ngành rau quả lần đầu tiên vượt qua lúa gạo và dầu khí về kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù vậy, phần lớn thị phần xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc - một thị trường bấp bênh, nhiều rủi ro và có giá trị thấp. Trong khi đó, liên minh châu Âu là một thị trường lớn nhiều tiềm năng, có nhu cầu đặc biệt lớn về trái cây nhiệt đới nhưng hiện nay giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu là một hiệp định thương mại thế hệ mới hướng tới mục tiêu cốt lõi nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu thuận lợi hơn, đặc biệt tạo ra nhiều cơ hội và đi kèm với một số rủi ro, thách thức cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Cắt giảm hàng rào thuế quan và phí thuế từ EVFTA sẽ tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Liên minh châu Âu. Tuy nhiên trái cây Việt Nam cũng sẽ đứng trước thách thức lớn từ các rào cản kỹ thuật về chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, các yêu cầu về lao động và môi trường, v.v... Sử dụng phương pháp tổng quan, rà soát các cam kết của hiệp định, kết hợp phân tích thống kê mô tả các số liệu thứ cấp về sản xuất và thương mại trái cây và tham vấn chuyên gia, nghiên cứu này chỉ rõ thực trạng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường này. Tuy nhiên, để tận dụng được các dư địa xuất khẩu, các doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định khác của Liên minh châu Âu trong khuôn khổ hiệp định EVFTA. Từ đó, nhóm tác giả cũng đã đưa ra một số gợi ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và người sản xuất tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức để thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang Liên minh châu Âu trong giai đoạn tới.