Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh trên cát ít thay nước, không tuần hoàn hiện nay đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển Bắc Trung bộ đã mang lại hiệu qua kinh tế lớn cho nhân dân trong vùng, song đã có những tác động tiêu cực đến môi trường và dịch bệnh xảy ra thường xuyên, dẫn đến phát triển ngành tôm không bền vững. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường là do chất thải trong khu nuôi tôm khi thải ra môi trường không được xử lý. Do vậy, việc xử lý nước thải khu nuôi là yêu cầu bắt buộc trong nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Hiện nay có nhiều phương pháp xử lý nước thải đang được áp dụng trên thế giới cũng như trong nước. Trong nghiên cứu này đã áp dụng thử nghiệm mô hình 3 ao để sử lý nước thải cho khu nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung trên cát tại Hợp tác xã Nuôi trồng và Chế biến Thủy sản Xuân Thành, Hà Tĩnh. Kết quả cho thấy nước thải sau khi xử lý đạt QCVN 02-19:2014/BNNPTNT khi xả ra môi trường. Đã kiến nghị áp dụng công nghệ xử lý nước thải này để áp dụng cho các khu nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh trên cát tại các tỉnh ven biển Bắc Trung bộ để góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi và phát triển bền vững ngành nuôi tôm trên cát.