Rơm là nguồn phế phẩm nông nghiệp bổ biến tại Việt Nam. Trong rơm có chứa hàm lượng lớn oxit silic có thể được thu hồi làm nguyên liệu cho quá trình tổng hợp zeolit. Trong nghiên cứu này, SiO2 thu hồi dưới dạng dung dịch Na2SiO3 từ rơm sau khi nung ở 600 độ C/4h và ngâm trong dung dịch NaOH3 M được sử dụng để tổng hợp zeolit. Phương pháp tổng hợp zeolit được sử dụng là kết tinh thủy nhiệt, sau đó đặc trưng vật liệu bằng các phương pháp nhiễu xạ tia X và chụp ảnh kính hiển vi điện tử quét. Zeolit tổng hợp trong nghiên cứu này được thực hiện dựa trên sự thay đổi tỷ lệ Si/Al với Al được bổ sung từ dung dịch NaAlO2 1 M. Nghiên cứu đã tổng hợp thành công zeolit ở các tỷ lệ Si/Al khác nhau. Với các tỷ lệ Si/Al thấp (0,5, 0,7, 1, 1,25) sản phẩm hình thành chủ yếu là zeolit 4A với độ tinh khiết cao. Với các tỷ lệ Si/Al lớn hơn (1,3 và 1,35) bên cạnh sản phẩm chính là zeolit 4A còn phát hiện thấy sự có mặt của zeolit faujasit-NaX. Khi tỷ lệ Si/AL lớn (1,5, 2,5, 3) thì sản phẩm tạo thành chủ yếu là zeolit faujasit-NaX. Kết quả đánh giá vật liệu cho thấy zeolit tổng hợp được có khả năng trao đổi cation cao, 432 meq/100 gam và hiệu quả hấp phụ với ion Pb2+ tương đối tốt (hơn 70%) mở ra triển vọng tạo ra vật liệu hấp thụ có khả năng ứng dụng trong xử lý môi trường từ nguồn phế phẩm nông nghiệp.