Nghiên cứu này sử dụng phương pháp đánh giá mô hình liên kết, phân tích hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng để đánh giá hiệu quả, tính bền vững và khả năng nhân rộng của mô hình liên kết đầu tư trồng rừng theo hợp đồng giữa Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đường 9 với hai công ty cung ứng dịch vụ trồng rừng tại tỉnh Quảng Trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên tham gia. Giá trị NPV của mô hình liên kết lần lượt cao hơn khoảng 17% và 30% so với phương án Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp trồng rừng bằng vốn tự có hoặc vay 70% vốn để trồng rừng. Mức sinh lời trên một đồng vốn đầu tư của công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp theo mô hình liên kết cao hơn từ 27%-33% so với các phương án không liên kết. Giá trị gia tăng của mô hình liên kết lần lượt cao hơn 10% và 14% so với phương án công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp trồng rừng bằng vốn tự có hoặc vay 70% vốn trồng rừng. Nhân tố quyết định bảo đảm tính bền vững của mô hình liên kết được hình thành và vận hành trên cơ sở tự nguyện, đôi bên cùng góp vốn, cùng hưởng lợi và bảo đảm công khai, minh bạch thông qua hợp đồng liên kết kinh tế chặt chẽ, các bên liên kết có đủ năng lực thực hiện và giám sát thực hiện các ràng buộc trong hợp đồng. Mô hình liên kết có khả năng nhân rộng, đặc biệt đối với các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp có diện tích đất rừng sản xuất lớn nhưng thiếu nguồn vốn trồng rừng. Sự đóng góp của mô hình liên kết với tăng năng suất rừng trồng và hiệu quả liên kết đối với công ty chế biến gỗ cần được nghiên cứu sâu hơn nhằm khuyến nghị, định hướng các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp hình thành liên kết.