Ứng phó của phụ nữ bị bạo lực gia đình là một yếu tố quan trọng, có mối quan hệ nhất định với sang chấn tâm lí ở họ, biểu hiện ở các triệu chứng PTSD, trầm cảm, lo âu, stress. Điều tra 165 phụ nữ bị bạo lực gia đình ở 2 tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh cho thấy, ứng phó định hướng xúc cảm và định hướng né tránh có mối tương quan thuận, ngược lại, ứng phó định hướng giải quyết vấn đề có mối tương quan nghịch với các triệu chứng sang chấn tâm lí của họ. Trong đó, ứng phó định hướng xúc cảm có tương quan chặt chẽ nhất với biểu hiện sang chấn tâm lí ở phụ nữ bị bạo lực gia đình. Phát hiện của nghiên cứu cho thấy, công tác can thiệp, hỗ trợ cần giúp phụ nữ tích cực tham gia hoạt động hướng đến giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, hạn chế cách ứng phó tập trung vào xúc cảm hay né tránh hoàn cảnh của mình, có thể dẫn đến khả năng phát triển các triệu chứng sang chấn tâm lí nghiêm trọng hơn.