Trong lực lượng quân đội của các chúa Nguyễn, pháo binh được coi là một binh chủng bên cạnh tượng binh, tuy chưa phải là lực lượng nòng cốt như bộ binh. Ngoài các cơ súng hoạt động độc lập, còn có các thuyền súng phiên chế vào các cơ bộ binh và thủy binh để hỗ trợ tác chiến. Thời kỳ Nguyễn Phúc Tần ở ngôi chúa là thời kỳ căng thẳng của chiến tranh Trịnh - Nguyễn, chúa cho lập trường tập bắn ở làng Hoằng Phúc (Thanh Phước, huyện Hương Trà). Theo những người phương Tây đã từng đến Đàng Trong, thì lính của chúa Nguyễn bấy giờ sử dụng súng rất giỏi. Súng là thứ vũ khí quan trọng, nhất là khi phòng thủ cũng như khi công đồn (đánh thành), gồm điểu thương (súng tay) và đại bác. Xứ Đàng Trong có nhu cầu rất cao về đại bác các cỡ, đặc biệt là trong thời gian chống nhau với quân Trịnh (1627-1672). Bấy giờ, đại bác của chúa Nguyễn xuất từ ba nguồn, một là vớt được ngoài biển do tàu phương Tây bị tai nạn chìm trừ trước, hai là do hoạt động thương mại, gởi mua ở các nước ngoài, và ba là do tượng ty (cục thợ) của nhà nước đúc, chỉ cần mua nguyên liệu đồng. Theo Lê Quý Đôn, thợ Phú Xuân (gốc hai làng Phan Xá và Hoàng Giang ở Quảng Bình) đúc súng rất khéo. Từ khi dời phủ chính vào Kim Long và Phú Xuân, các chúa Nguyễn thiết lập cơ sở đúc súng tại bờ nam Sông Hương, trên đất xã Dương Xuân, gọi là Trường Đồng hay Trường Đúc, tại đây, đã có một người thợ phương Tây tham gia về kỹ thuật và trang trí, là Joaõ da Cruz.