Kháng khuẩn là một trong những đặc tính ưu việt của mật ong, chủ yếu được quyết định bởi hàm lượng cao hay thấp của một số chất thuộc nhóm 1,2-dicacbonyl như glyoxal và metylglyoxal có trong mật ong. Trong nghiên cứu này khả năng kháng khuẩn của mật ong bà hà được xác định nhằm nâng cao giá trị đặc thù của sản phẩm chỉ dẫn địa lý này của Cao nguyên đá Đồng Văn. Mẫu mật từ 9 trại ong nuôi và khai thác mật bạc hà mùa mật 2017-2018 ở 4 huyện thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn được thu thập
hàm lượng glyoxal và metylglyoxal của các mẫu được phân tích bằng phương pháp UHPLC-PDA và so sánh với một số loại mật ong đã công bố trên thế giới. Khả năng kháng khuẩn của mật ong bạc hà được xác định bằng diện tích vòng kháng với vi khuẩn kiểm định Staphylococcus aureus và so sánh với một số loại mật ong rừng ở nước ta. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng trung bình của glyoxal (3,61 mg/kg+-0,19) và metylglyoxal (2,42 mg/kg+-0,08) trong mật ong bạc hà cao hơn trong mật keo, mật cam chanh và mật bạch đàn, lần lượt tới 3,37-4,81 và 2,20-3,46 lần (0,0001<
P<
0,05). Đặc biệt hàm lượng glyoxal trong mật ong bạc hà còn cao hơn cả mật Manuka tới 1,39 lần. Diện tích vòng kháng vi khuẩn Staphylococcus aureus của mật ong bạc hà ơ nồng độ 50% là 0,89 cm2 và của mật ong rừng với nồng độ 80% hoặc không xác định được chỉ có 0,04m2, cho thấy khả năng kháng khuẩn cao hơn của mật ong bạc hà. Metylglyoxal và glyoxal trong mật ong bạc hà có độ lệch chuẩn thấp cho thấy hàm lượng các chất kháng khuẩn này trong mật ong bạc hà có thể là chỉ thị để truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà đặc sản, được cấp chỉ dẫn địa ký ở nước ta.