Cây Keo lá liềm có khả năng thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt trên lập địa đất cát cố định, bán cố định, đất cát nội đồng. Việc bón 300g phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh trong 3 năm đầu kết hợp bón 10g chất giữ ẩm/gốc cho cây Keo lá liềm trồng trên lập địa đất cát nội đồng được lên líp tại huyện Lệ Thủy và Triệu Phong có hiệu quả rõ rệt ở giai đoạn 27 tháng tuổi. Sinh trưởng đường kính gốc, chiều cao cây (tại Lệ Thủy) và các chỉ tiêu đường kính gốc, chiều cao cây, đường kính tán, số lượng thân chính/cây, số cành dài trên 50cm (tại Triệu Phong) có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các công thức thí nghiệm với nhau và so với đối chứng. Tỷ lệ sống của cây Keo lá liềm là dao động tự 82,0%(ĐC) đến 88,9% (CT2) tại Lệ Thủy và từ 62,3% (ĐC) đến 93,3% (CT3) tại Triệu Phong ở giai đoạn 27 tháng tuổi. Lượng vật rơi rụng hoàn trả cho đất của cây Keo lá liềm ở các giai đoạn sinh trưởng chưa có sự khác nhau rõ rệt so với đối chứng. Lượng vật rơi rụng dao động 0,40-0,50 tấn/ha (tại Lệ Thủy) và 0,35-0,44 tấn/ha (tại Triệu Phong). Kết quả nghiên cứu này bước đầu làm cơ sở cho việc bón phân hữu cơ vi sinh kết hợp chất giữ ẩm áp dụng trong công tác trồng rừng phòng hộ vùng cát ven biển, đặc biệt là trên các lập địa đất cát di động, bán cố định, cố định và đất cát nội đồng.