Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của quản lý vật liệu hữu cơ sau khi khai thác (S0:đốt và S1: không đốt) và bón phân (F0: không bón
F1: Bón 200 g NPK/cây
F2: Bón lót 0,5 kg phân vi sinh + 300 g super lân/cây + 20 g kali/cây
F3: bón 100g chế phẩm sinh học/cây) đến tính chất đất và sinh trưởng của rừng Keo tai tượng tại Quảng Trị. Kết quả cho thấy, quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến tính chất đất và sinh trưởng của rừng sau 36 tháng. Tuy nhiên, xét về xu hướng thay đổi, mùn tổng số tăng nhẹ trong năm đầu, giảm ở các năm tiếp theo và mức độ giảm ở công thức S1 ít hơn so với S0. Đạm tổng số có xu hướng giảm nhẹ trong suốt thời gian nghiên cứu. Lân dễ tiêu tăng nhẹ trong năm đầu và giảm mạnh ở năm thứ 2 và tăng nhẹ vào năm thứ 3. Kali dễ tiêu giảm nhẹ trong 2 năm đầu và ít thay đổi ở năm thứ 3. Công thức bón phân F2 cho kết quả D1,3, Hvn, Dt và sinh khối cáo nhất, tiếp đến là F1 và thấp nhất là F0 và F3. Tóm lại, biện pháp quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác chưa ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng và tính chất đất rừng, nhưng giữ lại vật liệu hữu cơ sau khi khai thác đã phần nào cải thiện tính chất đất tốt hơn so với công thức đốt. Công thức bón phân F2 là phù hợp cho rừng trồng Keo tai tượng tại Quảng Trị.