Năm 1899, chính quyền Minh Trị đã ban hành sắc lệnh Luật bảo vệ người bản địa Hokkaido nhằm đồng hóa người Ainu với người Nhật Bản. Nhưng đến thập niên 1970, khi phong trào đòi quyền bình đẳng và bảo tồn văn hóa Ainu phát triển, từ đây thực sự có nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận của Chính phủ Nhật Bản về người Ainu. Vì vậy, sắc lệnh ban hành năm 1899 bị hủy bỏ, thay vào đấy bằng luật mới sửa đổi, nhằm chấn hưng văn hóa Ainu. Tháng 6/2008, Nghị quyết Ainu minzoku o senjūmin-zoku to suru koto o motomeru ketsugi của Chính phủ Nhật Bản đã chính thức công bố dân tộc "Ainu là người bản địa với ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa riêng biệt", đã mở ra kỷ nguyên mới cho cộng đồng người Ainu. Trên cơ sở bài học về chính sách của Nhật Bản đã áp dụng với người Ainu, gợi mở cho Việt Nam một số kinh nghiệm trong việc hoạch định các đối sách dành cho cộng đồng người dân tộc thiểu số. Đó là bài học về quản lý, tuyên truyền chính sách của Nhà nước đối với cộng đồng dân tộc thiểu số, về bảo tồn, gìn giữ nền văn hóa dân tộc thiểu số, về việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng của các nhóm tộc người.