Tế bào gốc ung thư (CSCs) được xem là chịu trách nhiệm chính cho tính kháng thuốc, gây di căn, tái phát và giảm hiệu quả điều trị. Vì vậy, CSCs hiện là đích quan trọng để phát triển các loại thuốc mới có tính hướng đích và hiệu quả hơn. Tại Việt Nam, loài hải sâm Stichopus chloronotus được báo cáo là có nhiều hoạt chất mang hoạt tính sinh học quí. Ví dụ như stichoposide D, một saponin từ loài này đã cho thấy khả năng gây độc mạnh các tế bào ung thư máu. Trong nghiên cứu này, stichoposide D đã cho thấy hoạt tính mạnh kháng tế bào CSCs ở người dòng NTERA-2 với giá trị IC50 = 0,26 ± 0,02 µM, khi giá trị này là 0,35± 0,02 µM trên tế bào ung thư vú (MCF-7) và 0,53± 0,03 µM ở tế bào ung thư phổi (SK-LU-1). Tác dụng này có thể do khả năng gây ra sự chết tế bào theo chương trình (apoptosis). Ở nồng độ 1 µM, stichoposide D đã cảm ứng được 76,4% tế bào apoptosis, làm tăng 1,72 lần mức hoạt động của enzyme caspase-3 so với đối chứng (P<
0,05). Stichoposide D cũng lần đầu được ghi nhận tác động tới số lượng tế bào biểu hiện CD44+/CD24+, những dấu ấn bề mặt đặc trưng cho nhiều loại CSCs. Hoạt chất cũng cho thấy khả năng bắt giữ tế bào NTERA-2 ở pha sub-G1 đạt 15,03%, ngăn chặn chúng bước vào pha S là pha tổng hợp ADN. Như vậy, stichoposide D đã cho thấy những hoạt tính tiềm năng kháng CSCs và cần được nghiên cứu kĩ hơn về cơ chế tác động phân tử để có thể ứng dụng trong tương lai.