Hiện nay, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Tuổi già làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, đặc biệt là các rối loạn về tâm thần. Mục tiêu: Xác định tỷ lệ trầm cảm và tìm hiểu một số yếu tố liên quan với trầm cảm ở người cao tuổi. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 760 người cao tuổi ở một số xã phường tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2020. Số liệu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp đối tượng bằng bộ câu hỏi bao gồm các thông tin về nhân khẩu-xã hội học, thang đo trầm cảm (GDS-30), tình trạng sức khỏe và hoạt động thể lực. Hồi quy logistic đa biến được sử dụng để xác định yếu tố liên quan với trầm cảm ở người cao tuổi. Kết quả: Tỷ lệ mắc trầm cảm ở người cao tuổi là 28,6% (KTC 95%: 25,3- 31,7). Trong đó, 23,6% trầm cảm nhẹ và 5% trầm cảm nặng. Nguy cơ cao hơn được nhận thấy ở các nhóm có tình trạng kinh tế thấp (nghèo/cận nghèo) (OR =2,51
95% CI: 1,15 - 5,48), sống một mình (OR =2,43
95%CI: 1,02 - 5,78), mắc bệnh mạn tính (≥2 bệnh với OR =1,59
95% CI: 1,01 - 2,52), tình trạng sức khỏe tự đánh giá chưa tốt (OR =2,34
95% CI: 1,50 - 3,66), chưa hài lòng về sức khỏe (OR=2,55
95% CI:1,59 - 4,08), hoạt động thể lực không đạt (OR =2,79
95% CI: 1,83 - 4,27) và chất lượng cuộc sống thấp (OR = 2,79
95% CI: 1,84 -4,24). Kết luận: Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người cao tuổi mắc trầm cảm là phổ biến tại cộng đồng. Do đó, chiến lược ưu tiên giảm tỷ lệ mắc trầm cảm cần được thực hiện, đặc biệt là ở các nhóm nguy cơ cao.