Hướng tới việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống và hoạt động thực tiễn của con người, khi xây dựng đạo đức học của mình, I. Cantơ đã đưa ra một quan niệm độc đáo về giá trị đạo đức để trên cơ sở đó, đánh giá hành vi ứng xử của con người. Khác với các nhà triết học trước ông và đương thời với ông, I. Cantơ không gắn giá trị đạo đức với Hạnh phúc, tức là với sự thỏa mãn các nhu cầu hưởng thụ cá nhân. Với ông, hành vi đạo đức là hành vi thực hiện "bổn phận vì bổn phận". Coi thực hiện bổn phận đạo đức là sự tuân thủ "mệnh lệnh tuyệt đối", I. Cantơ đi đến kết luận: "Mệnh lệnh tuyệt đối" là chuẩn mực duy nhất để đánh giá hành vi đạo đức của con người. Thế nhưng, ông đã tự mâu thuẫn với chính mình khi cho rằng, một mặt, "mệnh lệnh tuyệt đối" vừa là nguyên tắc tối cao, vừa là nguyên tắc phổ biến, nghĩa là phải trở thành cái có ích
mặt khác, giá trị đạo đức phải giả định quan hệ không vụ lợi với thực tại. Khắc phục được mâu thuẫn này, quan niệm của I. Cantơ về giá trị đạo đức có thể trở thành cơ sở để xây dựng một nền đạo đức chung cho toàn nhân loại.