Nghiên cứu được tiến hành tại xã Khánh Phú từ tháng 01/2002-tháng 12/2004. Bắt muỗi bằng mồi người từ 18 giờ-06 giờ trong nhà, nhà rẫy, ngoài nhà tại các khu vực thôn bản, bìa rừng, trong rừng. Đánh dấu muỗi An.dirus và thả lại ngay trong đêm bắt để tìm hiểu tính quen đường tìm mồi hút máu, thời gian một chu kỳ tiêu sinh, khả năng khuyếch tán và thời gian có thể sống ở ngoài tự nhiên. Mổ muỗi để xác định tỷ lệ muỗi đã đẻ, tỷ lệ sống sót hàng ngày, tuổi thọ trung bình và chí số lan truyền sốt rét.brKết quả cho thấy An.dirus ở Khánh Phú có khả năng quen đường tìm mồi và có thể khuyếch tán tới 2000 mét. Thời gian sống trung bình là 16,16 ngày và ngoài tự nhiên nó có thể sống tới 30 ngày. Chỉ số lan truyền (EIR) khu vực thôn bản là 0,20 (tháng 2) và 0,12 (tháng 10), khu bìa rừng và trong rừng thì hầu như sốt rét lan truyền quanh năm song cao nhất là ở 4 tháng đầu mùa khô (tháng 1-4). Cụ thể EIR: khu thôn bản: 0,20 bằng 63% cả năm, khu bìa rừng: 12,51 bằng 69% cả năm và khu trong rừng: 33,85 bằng 73% cả năm. Việc phòng chống muỗi đốt cho người ngủ rừng, ngủ rẫy phải được thực hiện ngay từ tháng 01 hàng năm. Màn tẩm hóa chất trong thôn bản nên thực hiện vào tháng 09 và chỉ cần tẩm một lần trong năm nếu An.minimus ở đây không còn giữ vai trò truyền bệnh sốt rét vào mùa khô.