Chính sách tài khóa tác động lên các định hướng phát triển của nền kinh tế thông qua những thay đổi trong chi tiêu chính phủ và thuế khóa. Trong nhiều năm qua, có nhiều nghiên cứu cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm, tập trung xem xét, đánh giá vai trò của chi ngân sách tới tăng trưởng và lạm phát ở trong và ngoài nước. Các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách vẫn tranh luận về vấn đề chi ngân sách nhà nước có vai trò thúc đẩy hay làm chậm tăng trưởng kinh tế. Có bài toán tối ưu nào cho chi tiêu chính phủ thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn duy trì được mức lạm phát hợp lý? Có một số quan điểm cho rằng, khi tăng chi tiêu chính phủ quá lớn trong khi hiệu quả hoạt động khu vực kinh tế nhà nước còn kém, năng suất còn thấp có thể sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế trong tương lai do sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực sản xuất hiệu quả sang kém hiệu quả, đặc biệt ở các nước đang phát triển và chuyển đổi. Vì vậy, việc điều hành chính sách tài khóa, đặc biệt là chính sách chi ở Việt Nam không đạt được hiệu quả như mong muốn do chưa xác định được quy mô hay ngưỡng chi ngân sách nhà nước, quy mô hợp lý cho chi ngân sách nhà nước đối với tăng trưởng kinh tế.