Khái niệm "culture" (Anh, Pháp), "kutur" (Đức) hình thành vào thế kỷ XVII ở châu Âu, đến cuối thế kỷ XIX được du nhập đến phương Đông, làm hình thành khái niệm "văn hóa" (Việt Nam). Từ khi trở thành thuật ngữ khoa học và cuối thế kỷ XIX, khái niệm này đã được diễn giải rất khác nhau và đã biến đổi ý nghĩa nhiều lần. Từ ý nghĩa ban đầu là giáo hóa, "culture" / "văn hóa" đã biến nghĩa để chỉ các năng lực tinh thần, tiếp đó mở rộng nghĩa để chỉ các hiện tượng nhân tạo hình thành trong xã hội loài người. Và đến cuối thế kỷ XX thì nó được thu hẹp nghĩa để gắn liền với dân tộc, tộc người: Văn hóa là tất cả những hoạt động, sản phẩm và giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo và được các thế hệ con người chấp nhận, tuân thủ, phổ biến, truyền lưu, giúp phân biệt con người với tự nhiên và phân biệt tộc người này với tộc người khác, dân tộc này với dân tộc khác. Vận dụng phương pháp phân tích - tổng hợp tư liệu và phương pháp so sánh, bài viết cung cấp những nhận thức mới về "culture" / "văn hóa" và ý nghĩa quan trọng của những nhận thức ấy đối với việc hoạch định các chính sách văn hóa của nhà nước và cách ứng xử đối với văn hóa của cộng đồng xã hội,trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế và kỹ thuật của thế giới hôm nay.